Quà tặng và quà biếu
* Việc biếu tết cho lãnh đạo, cho cha mẹ, bạn bè theo tục lệ xưa được thực hiện như thế nào, thưa ông?
|
– PGS-TS Đinh Hồng Hải: Phong tục quà tết xưa trong văn hóa Việt vốn là một nét đẹp, tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt thành hai đối tượng: một là quà tặng, hai là quà biếu, đặc biệt là quà biếu vì vụ lợi. Đây là hai đối tượng hoàn toàn khác nhau.
Loại thứ nhất được sử dụng tại những sự kiện vui vẻ trong gia đình, dòng tộc, với những món quà nhỏ chỉ để ghi dấu sự kiện. Cá nhân tôi cho rằng những loại quà như thế tạo cảm giác vui vẻ và là vật tượng trưng hay kỷ niệm thể hiện điều tốt đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Nhìn về quá khứ, mới chỉ cách chúng ta vài thế hệ, các mối quan hệ tình cảm bằng việc duy trì quà tặng như vậy vẫn được sử dụng nhiều và nó hoàn toàn là những vật mang tính biểu tượng. Nét văn hóa này có thể mở rộng ra với các mối quan hệ thân thiết khác và chỉ mang tính tình cảm và hoàn toàn khác hẳn với quà biếu. Nếu đọc trong Việt Nam phong tục sách của Phan Kế Bính, hay Nếp cũ của Toan Ánh… thì những phong tục như mừng tuổi, tặng quà thường chỉ dành cho trẻ nhỏ và người cao tuổi.
Những thay đổi về quà tặng có giá trị cao dường như mới xuất hiện thời gian gần đây. Nếu đặt một góc nhìn đối sánh với các nền văn hóa khác như trong văn hóa Trung Hoa, chúng ta sẽ thấy có một vài điểm tương đồng và cả những đặc thù riêng trong văn hóa Việt Nam. Chẳng hạn, người Trung Hoa tối kỵ tặng đồng hồ vì họ quan niệm rằng ai đó tặng người khác đồng hồ, thì có nghĩa là thời gian của người được tặng đã hết. Nó giống như một lời nguyền rủa. Trong khi ở phương Tây thì việc tặng bưu thiếp tương đối phổ biến trong các dịp lễ nghi… Nhìn chung việc tặng quà mang tính biểu tượng có mặt trong tất cả các nền văn hóa.
Trong cuốn sách Luận về biếu tặng của Marcell Mauss có đề cập đến việc tặng quà như một biểu tượng của sự duy trì quan hệ. Nếu chúng ta có quan hệ mà không tặng quà thì mối quan hệ đó có thể bị lãng quên theo thời gian. Nhưng nếu có một món quà nho nhỏ, giống như ông bà, cha mẹ dành cho con cháu mang tính tượng trưng thì quan hệ đó được duy trì và được ghi nhớ bằng những vật mang tính biểu tượng. Nó hoàn toàn khác với những món quà tặng như một món đầu tư để sau đó kiếm lợi. Nói tóm lại, quà tặng chính là những biểu tượng nhằm duy trì các mối quan hệ gần gũi trong văn hóa truyền thống ở nhiều nền văn hóa.
* Đã từng có những câu chuyện được đưa lên sân khấu, truyền hình. Chẳng hạn biếu con cá nhưng móc câu trong miệng nó bằng vàng. Cũng có những việc truyền tai nhau như có thể biếu nhau vi cá mập – một mặt hàng cấm, hoặc những chiếc đồng hồ hàng trăm triệu đồng. Theo ông, có việc chạy đua biếu những thứ đồ xa xỉ và hiếm có khó tìm không?
– Đối lập với phong tục truyền thống tốt đẹp mà tôi đã nêu ở trên thì ngày nay vấn đề biếu tặng đã trở thành một thực trạng nhức nhối của xã hội chúng ta với cảnh người người đi biếu, nhà nhà đi biếu. Đi biếu nhiều đến mức tắc đường như chúng ta thấy trong dịp tết, mà đáng ra là dịp mua sắm cho gia đình nhưng nhiều người phải dành thời gian đi biếu.
Từ những quà tặng mang tính tượng trưng trong văn hóa truyền thống đến các loại quà biếu xa xỉ hiện nay là một biến tướng đáng lo ngại của xã hội. Người ta có thể biếu nhau đồng hồ đắt tiền, vàng rồi biếu cả ô tô hay căn hộ hoặc biệt thự. Một số người lại tìm vây cá mập, sâm Ngọc Linh hay các hàng độc, hàng hiếm. Những món quà này không còn là những món quà mang giá trị tinh thần nữa mà đã trở thành một sự trao đổi mang yếu tố trục lợi. Nhiều người có thể bỏ ra một khoản tiền lớn như một khoản đầu tư để đi biếu, đổi lại, họ sẽ nhận được sự cất nhắc hoặc lợi lộc. Không chỉ là một biểu hiện của thói xu nịnh mà còn có thể coi như một hành vi hối lộ.
Nguồn : Báo Thanh Niên