Tết Nguyên Đán là ngày tết lớn nhất của mỗi người con Việt Nam. Lúc này là dịp để mỗi gia đình quy quần bên nhau cùng ăn bữa cơm thân mật, trao nhau những món giỏ quà tết ý nghĩa .Địa lý Việt Nam chia làm 3 miền Bắc , Trung , Nam rõ rệt và đặc biệt mỗi vùng miền lại có một nét đẹp và các phong tục riêng. Chúng ta hãy cùng đọc bài viết và khám phá những nét đặc sắc trong phong tục của các miền quê trên đất nước Việt Nam nhé !
1. Mâm cơm ngày Tết
Miền Bắc: Mâm ngập tràn, đa dạng sắc màu
Mâm cỗ đặc trưng của người miền Bắc (ảnh minh họa)
Mâm cỗ Tết miền Bắc rất đa dạng và tinh tế với rất nhiều mòn ăn ngon, đặc trưng. Đầu tiên là món bánh chưng xanh được gói bằng thứ gạo nếp thơm dẻo có màu xanh rất mướt mắt, nhân bánh gồm đậu xanh và thịt heo, đây là môt một sự hòa quyện rất tinh tế . Bánh chưng thường ăn với dưa hành, vừa làm tăng hương vị, lại “chống” ngán. Kế đến là thịt đông – món ăn khá lạ lùng: vốn nguội lạnh, lại ăn trong tiết trời lạnh giá và kèm với dưa cải chua mới ngon.
Thịt đông, món ăn ngày tết thích hợp trong tiết trời giá lạnh miền Bắc
Ngoài ra, còn có đĩa xôi ăn với gà luộc rắc lá chanh, giò lụa, giò xào, nem rán, kèm đĩa nộm nhiều rau củ để bữa cỗ thêm ngon miệng. Món nước cũng không kém phần phong phú: nào giò heo hầm với măng lưỡi lợn, bóng nấu thập cẩm, miến nấu lòng gà, rồi bát mọc nước. Người ta còn chuẩn bị thêm nồi cá chép hoặc cá trắm kho riềng, nồi thịt bò kho quế, món nào cũng đậm đà hương vị.
Miền Trung: Giản dị nhưng hài hòa
Sự phong phú trong những món ăn ngày tết của người miền Trung
Người miền Trung lớn lên trong khó khăn và gian khổ, cho nên mâm cỗ ngày tết rất đơn giản nhưng lại không kém phần tỉ mỉ. Miền Trung không có bánh chưng mà là bánh tét, được gói bằng lá chuối theo hình trụ, ăn với dưa món (củ cải, cà rốt, dưa leo ngâm trong nước mắm đường). Nhiều món nguội như chả, nem chua, tré, hay gỏi. Đặc biệt, mâm cỗ Huế không thể thiếu món tôm chua thịt phay, nem bò lụi, chả tôm, gỏi vả. Tết ở miền Trung còn có món bò nấu thưng, thịt nạc rim và đặc biệt là món giò heo hon, giò heo ướp nghệ tươi giã nát, nấu liu riu đến khi mềm, cho thêm đậu phộng đã bóc vỏ, vừa béo vừa thơm, ăn với xôi trắng rất hợp
Miền Nam: trù phú và phóng khoáng
Nói vậy là vì mâm cỗ ở miền Nam ít bị gò bó hơn so với mâm cỗ các vùng miền khác. Món ăn được nhìn thấy nhiều nhất trong mâm cỗ và mâm cơm Tết miền Nam là thịt kho nước dừa. Tùy từng nhà có thể kho chung với trứng luộc, trứng muối, cơm dừa…
Thơm vị dừa, tô thịt kho sẽ càng thú vị hơn nếu được ăn cùng với củ kiệu ngày tết (ảnh minh họa)
Ngoài ra, món canh khổ qua (mướp đắng) nhồi thịt được chị em làm rất nhiều với mong muốn những khó khăn đau khổ của năm cũ sẽ qua đi. Bánh Tét miền Nam cũng không quy định nhân như các miền khác. Nhân bánh có thể đa dạng, thịt, đậu xanh, đậu đen, chuối… Bánh tét miền Nam được ăn kèm với dưa món, củ kiệu, tôm khô.
Củ kiệu, tôm khô 2 món luôn luôn có chỗ trong những mâm cơm của người miền Nam (ảnh minh họa)
2. Mâm ngũ quả
Một cái không thể thiếu được trong dịp lễ tết đó là Mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả được chưng trên bàn thờ tổ tiên, nó bao gồm nhiều loại quả khác nhau, mỗi loại nó lại thể hiện mong muốn của gia chủ có một cái tết thật ấm no, đủ đầy. o điều kiện ở các khu vực sinh sống của người Việt có khác biệt nên có nhiều cách bày mâm ngũ quả khác nhau.
Mâm ngũ quả của miền Bắc
Mâm ngũ quả ở miền Bắc nhìn chung nhỏ hơn miền Nam và không thể thiếu 3 loại quả: chuối, bưởi, quýt (hoặc cam).
Mâm ngũ quả của các gia đình miền Bắc. (ảnh minh họa)
Mâm ngũ quả của người miền Nam
Mâm ngũ quả miền Nam thì khó có thể thiếu cặp dưa hấu và 4 loại quả: mãng cầu (na), dừa, đu đủ, xoài, bởi vì cầu – dừa – đủ – xoài theo tiếng người miền Nam đọc gần giống “cầu vừa đủ xài” – mong ước phổ biến nhất của họ trong năm mới. Một số nhà lại bày thêm trên mâm ngũ quả bình thường một chùm sung và quả đu đủ với ngụ ý cầu mong cuộc sống gia đình sẽ luôn “đầy đủ, sung túc”.
Mâm ngũ quả của người miền Trung
Khác với hai miền nam bắc, khúc ruột miền Trung quanh năm bão lũ, Tết lại rơi vào những ngày đông khắc nghiệt, người dân quê một nắng hai xương không câu nệ về mâm ngũ quả phải đầy đủ, chu toàn. Họ tâm niệm đặt cái tâm là trên hết, có gì cúng nấy. Cũng vì ảnh hưởng của sự giao thoa văn hóa 2 miền Bắc – Nam nên mâm ngũ quả vẫn bày biện đủ: chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài… Họ không bày cam quýt vì theo quan niệm “cam đành quýt đoạn”.
Người miền Trung quanh năm bão lũ coi trọng tấm lòng thành hơn là một mâm hoa quả phải đầy đủ mọi thứ (ảnh minh họa)
3. Sắc màu tết 3 miền
Tết, ai cũng tất bật cất lại những bộn bề để về bên gia đình, vui vẻ bên mâm cơm đoàn viên. Tết, người người tay bắt mặt mừng, chúc nhau nhừng lời tốt lành để năm mới được vạn sự như ý. Tết, là lúc những mùi hương đặc trưng lan tỏa mọi ngóc ngách, làm ta bất giác một nụ cười an nhiên vô cùng. Có một cái Tết Việt vẫn đậm đà bản sắc dân tộc theo thời gian trên ba miền đất nước. Để dù người có đi xa thật xa, bôn ba với bận rộn cuộc sống thì mỗi khi nhắc đến Tết, trái tim vẫn vang lên khúc nhạc ấm lòng, mong chờ khoảnh khắc được thả mình vào không gian chứa chan sắc màu Tết ấy.
Sắc xuân lan tỏa, Tết cận kề
Ông đồ cho chữ, một nét đẹp trong văn hóa ngày tết
Xuân đến làm đất trời khẽ “cựa mình” thức giấc sau một cơn ngủ dài cùng mùa đông lạnh. Nắng ấm hơn, gió dịu nhẹ hơn, mưa cũng thôi nặng hạt mà chỉ lất phất như bụi sương, khiến người ta yêu chứ không nỡ ghét. Xuân thức tỉnh, muôn hoa cũng bắt đầu vươn mình khoe sắc thắm. “Đẹp làm sao dáng xuân in trong lòng người – Đẹp làm sao lá hoa mượt mà thắm tươi – Xuân đến đây tô màu rạng ngời – Như bức tranh xinh đẹp tuyệt vời”. Khiến lòng người ngây ngất cùng xuân
Thời tiết lạnh đặc trưng của mùa đông và những ngày cận Tết ở miền Bắc là điều kiện lý tưởng để sắc hồng của đào sinh sôi và nảy nở. Cứ mỗi độ Tết về, đường phố lại ngợp màu đào hồng. Có người xuống phố mua đào về trưng Tết, có người lại thích cảm giác hòa mình vào dòng chợ hoa, để cảm chút không khí của Tết, của xuân. Tất cả tô vẽ nên bức tranh hài hòa và đẹp mắt giữa người và cảnh. Mê lòng.
Bức tranh dung dị của cái Tết truyền thống
Miền Bắc thắm hồng cánh đào
Còn ở miền Trung và phương Nam có tiết trời hanh khô, nóng hơn thì sắc mai vàng chính là loài hoa báo hiệu Tết về. Mai dễ sống, dễ ra hoa và thời gian nở kéo dài cả tháng Giêng. Hầu như nhà nào cũng có mai, để khi Tết về, từ ngoài ngõ đến trong phòng khách, đâu đâu cũng có màu vàng tươi làm chủ đạo, sáng bừng cả không gian, để căn nhà thêm ấm cúng
Phương Nam rực rỡ sắc mai vàng
Ngoài hoa mai, hoa đào thì người Việt ta còn trưng quất và nhiều loài hoa khác nữa như ly, hướng dương, lay ơn, cúc,… vào dịp Tết. Mọi nơi ngập tràn sắc hương của hoa xuân. Đẹp vô cùng.
Muôn hoa cùng nở rộ dịp Tết
Mỗi vùng miền trên đất nước riêng có một phong tục riêng, một nét đẹp riêng. Với sự đa dạng sắc màu đó làm cho Tết cổ truyền của người Việt Nam thật đẹp và ý nghĩa cho những người con đất nước Việt Nam và cả trong mắt du khách nước ngoài.